Chiến lược phát triển Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị giai đoạn 2020 - 2025 tầm nhìn 2040

12-12-2020

CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHỆ VÀ QUẢN LÝ HỮU NGHỊ GIAI ĐOẠN 2020-2025, TẦM NHÌN 2040

(Ban hành theo Nghị quyết số 08/NQ-HĐT ngày 10/12/2020 của Hội đồng trường)

1. Sứ mạng

Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị cam kết xây dựng hệ thống đào tạo sáng tạo, đa dạng và chất lượng, phương pháp học tập linh hoạt, mở rộng quan hệ hợp tác trong nước và quốc tế nhằm đảm bảo cho người học có đầy đủ kiến thức, kỹ năng và tố chất cần thiết để trở thành những con người thành đạt, hữu ích trong xã hội.

2. Tầm nhìn

Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị sẽ trở thành trường đại học có uy tín cao về chất lượng đào tạo, khác biệt về dịch vụ và sáng tạo trong quản lý, cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia và khu vực.

3. Giá trị cốt lõi

Con người - Chất lượng - Thương hiệu - Thích ứng

4. Triết lý giáo dục

Nhân bản - Khai phóng.

5. Lĩnh vực hoạt động và giá trị cam kết

5.1. Lĩnh vực hoạt động

- Đào tạo và nghiên cứu: bao gồm các ngành khối kinh tế (Quản lý kinh tế, Kinh tế quốc tế, Quản trị kinh doanh, Kế toán, Tài chính - Ngân hàng, Bất động sản, Công nghệ Tài chính); các ngành khối Ngôn ngữ (Ngôn ngữ Anh, ngành Ngôn ngữ Trung Quốc, Ngôn ngữ Nga); các ngành khối Pháp luật, Du lịch, Quản lý nhà nước; các ngành khối Công nghệ (Công nghệ thông tin, Kỹ thuật phần mềm, Công nghệ kỹ thuật ô tô; Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng). Nhà trường tiếp tục phát triển thêm các ngành mới thuộc các lĩnh vực trên và các ngành sang các lĩnh vực mới, như lĩnh vực Báo chí và Truyền thông; Khoa học sức khỏe.

- Cung cấp dịch vụ, tư vấn và chuyển giao tri thức cho các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức và cá nhân.

5.2. Giá trị cam kết

- Cung cấp cho người học các chương trình đào tạo có tính căn bản - mở - linh hoạt, gắn kết với thực tiễn cùng với môi trường học tập và rèn luyện năng động, giúp cho người học phát triển tối đa năng lực cá nhân, năng lực thích ứng và đổi mới sáng tạo.

- Cung cấp cho các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức và cá nhân các dịch vụ tư vấn, chuyển giao tri thức cập nhật có tính ứng dụng cao.

- Triển khai các hoạt động xã hội thiết thực phục vụ cộng đồng.

6. Mục tiêu chiến lược

6.1. Mục tiêu chung

Trở thành đại học đa ngành, đa lĩnh vực, có chất lượng cao về đào tạo kinh tế, kinh doanh, công nghệ, ngôn ngữ cùng với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; cung cấp các sản phẩm tốt trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng, có vị thế  trong khu vực.

6.2. Mục tiêu cụ thể

Mục tiêu 1: Có hệ thống quản trị đại học hiện đại trên nền tảng số hóa; nguồn nhân lực có năng lực và trình độ cao, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.

Mục tiêu 2: Có hệ thống ngành/lĩnh vực đào tạo đa dạng, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao và nhân tài có khả năng cạnh tranh quốc tế; thuộc nhóm các trường đại học có uy tín trong khu vực vào năm 2030.

Mục tiêu 3: Trở thành trung tâm nghiên cứu, chuyển giao tri thức về kinh tế , kinh doanh và công nghệ uy tín ở Việt Nam; trở thành điển hình về hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Mục tiêu 4: Có năng lực tài chính bền vững, cơ sở vật chất hiện đại, học liệu phong phú và cập nhật, đáp ứng yêu cầu đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng và chuyển đổi số.

Mục tiêu 5: Có môi trường học tập và làm việc hiện đại, năng động, sáng tạo, có tính quốc tế hóa cao.

6.3 Các chỉ tiêu chính

6.3.1. Đào tạo

- Đến năm 2025, Nhà trường mở mới từ 1 đến 2 ngành đào tạo Đại học, 1 ngành đào tạo Thạc sỹ và 1 ngành đào tạo Tiến sỹ.

- Quy mô đào tạo của Nhà trường đến năm 2025 là 8.000 người học, trong đó 1.000 học viên sau đại học.

- Phương thức đào tạo kết hợp đào tạo tập trung và đào tạo Elearning. Đến năm 2025 đạt 100% các môn học có bài giảng và tài liệu học tập Elearning.

- Phát triển hệ thống tài nguyên giáo dục mở;

- Đến năm 2025 phấn đấu 100% người học ra trường có việc làm đúng chuyên ngành đào tạo.

6.3.2. Nghiên cứu khoa học và công nghệ

Nhà trường đặc biệt tập trung vào nghiên cứu khoa học (NCKH) và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực kinh tế xã hội, công nghệ thông tin, khoa học liên ngành.

Đảm bảo chất lượng của các hội nghị khoa học, chú ý đặc biệt nâng cao chất lượng và hiệu quả của các hội thảo chuyên ngành hẹp (cấp quốc gia và quốc tế).

Đến năm 2025:

- 100% giảng viên cơ hữu tham gia tham gia NCKH, 50% giảng viên thạc sĩ và 100% giảng viên tiến sĩ có ít nhất 1 bài báo khoa học đăng trên tạp chí chuyên ngành/năm hoặc có báo cáo trình bày tại các hội nghị, hội thảo khoa học quốc gia (hoặc quốc tế) và phấn đấu có bài đăng trong các tạp chí quốc tế.

- Mỗi năm công bố 15 cuốn sách chuyên khảo và tổ chức 1-2 hội thảo, hội nghị khoa học quốc gia/quốc tế.

- Thực hiện thường xuyên việc công bố các kết quả NCKH trên website của Trường. Đây là nguồn tham khảo hữu ích phục vụ đào tạo và nghiên cứu.

- Thành lập và hoạt động hiệu quả nhóm nghiên cứu chuyên sâu. Xây dựng và phát triển được từ 5-7 nhóm nghiên cứu mạnh.

Một số chỉ tiêu NCKH khác:

- Đề tài NCKH cấp Trường: 30 đề tài/năm

- Đề tài NCKH cấp Bộ trở lên: 01 đề tài/năm.

- Tăng tỉ lệ cán bộ cơ hữu tham gia hoạt động KHCN/đề tài: 08 CBGD/đề tài

- Tăng tỉ lệ kinh phí cho hoạt động KHCN/CBGD, mỗi năm tăng khoảng 5%.

Phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên, đặc biệt là về chất lượng, có phẩm chất đạo đức tốt, năng lực, kiến thức, kĩ năng đạt chuẩn quốc tế là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Trường.

Đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, giảng viên giỏi, chuyên nghiệp, năng động, nhiệt huyết với sự nghiệp trồng người của trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị.

6.3.3. Phát triển đội ngũ cán bộ

Phát triển đội ngũ cán bộ, đặc biệt là về chất lượng, có phẩm chất đạo đức tốt, năng lực, kiến thức, kĩ năng đạt chuẩn quốc tế.

Số cán bộ giảng dạy chiếm 75% tổng số cán bộ và ở mức tỉ lệ 13 sinh viên/ cán bộ giảng dạy (CBGD). Tỷ lệ cán bộ giảng dạy có trình độ sau đại học (SĐH) là 90%.

Mỗi năm có 35-40 lượt giảng viên và các nhà khoa học nước ngoài đến giảng dạy và nghiên cứu tại Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị.

100% cán bộ quản lý được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ và năng lực quản lý theo các tiêu chuẩn quản trị đại học tiên tiến, tối thiểu 25% cán bộ quản lý hành chính sử dụng tốt tiếng Anh trong công việc và giao tiếp.

6.3.4. Đảm bảo chất lượng

- Đến năm 2025, Trường Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị có hệ thống ĐBCL bên trong đạt tiêu chuẩn của kiểm định chất lượng (KĐCL) cơ sở giáo dục đại học;

- Đến năm 2025 có ít nhất 50% các chương trình đào tạo của Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị được KĐCL theo tiêu chuẩn của Quốc gia;

- 10% các chương trình đào tạo thuộc nhiệm vụ chiến lược có đủ điều kiện theo quy định của AUN được kiểm định theo tiêu chuẩn KĐCL của AUN trước năm 2030.

- Đến năm 2025, Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị được KĐCL theo định hướng tiêu chuẩn chất lượng của Asean University Network (AUN);

6.3.5. Cơ sở vật chất hiện đại đáp ứng nhu cầu đào tạo, nghiên cứu chất lượng cao

Trong thời điểm hiện tại Nhà trường sử dụng tốt, hiệu quả cơ sở của Trường tại số Lô 1-4 số 431 Tam Trinh, Hoàng Mai, Hà Nội.

Đến 2025  hoàn thành việc xây dựng giai đoạn 1 của Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị tại Dương Nội - Hà Đông - Hà Nội.

6.3.6. Tạo được nguồn lực tài chính bền vững

Tạo được nguồn lực tài chính bền vững đáp ứng cơ bản yêu cầu xây dựng, phát triển và tạo dựng uy tín với xã hội.

7. Lộ trình thực hiện chiến lược

- Giai đoạn từ 2021 đến 2025: Phát huy tự chủ đại học, đổi mới quản trị đại học và chuyển đổi số, phát triển đội ngũ và nâng cao năng lực nghiên cứu,  doanh nghiệp và viện nghiên cứu, chuẩn bị điều kiện thành lập các trường thành viên khi đủ điều kiện, phát triển ngành đào tạo mới, tăng cường cơ sở vật chất, củng cố nền tảng và phát triển vùng lõi của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; cải thiện các tiêu chí xếp hạng quốc tế.

- Giai đoạn từ 2026 đến 2030: Phát triển ngành đào tạo thuộc các lĩnh vực mới, liên ngành; hoàn thiện cơ cấu tổ chức và quản trị đại học; hoàn thành các dự án mở rộng khuôn viên; phát triển các hoạt động nghiên cứu mũi nhọn; phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, chuyển giao tri thức, trở thành điển hình của đại học đổi mới sáng tạo trong khối ngành kinh tế, kinh doanh và công nghệ tại Việt Nam.

- Giai đoạn từ 2031 đến 2040: Khẳng định vị thế của một đại học đổi mới sáng tạo, đa ngành, đa lĩnh vực; quản trị hiệu quả trên nền tảng số; có uy tín trong khu vực.

8. Các bước đột phá chiến lược

8.1. Tái cấu trúc trường và chuyển đổi số

- Tái cấu trúc trường và vận hành theo mô hình đại học đa ngành, đa lĩnh vực theo 3 cấp có các trường thành viên,  viện, doanh nghiệp trực thuộc.

- Hiện đại hóa hệ thống quản trị, phân cấp quản lý và phát huy tự chủ, nâng cao hiệu quả công tác quản lý điều hành.

- Triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số và phát triển theo mô hình đại học số.

- Mở rộng và khai thác hiệu quả khuôn viên; xây dựng thư viện số, không gian học tập và làm việc theo triết lý đào tạo và tinh thần đổi mới sáng tạo.

- Đa dạng hóa và phát triển các nguồn thu, đảm bảo năng lực tài chính bền vững; hình thành các dự án hợp tác, liên kết lớn để thu hút các nguồn lực từ bên ngoài.

8.2. Thu hút và phát triển nhân tài, quốc tế hóa nhân sự

- Đổi mới cơ chế tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng và chính sách đãi ngộ để thu hút và phát triển nhân tài.

- Phát triển đội ngũ chuyên gia đầu ngành trong một số lĩnh vực, triển khai các chức danh nghiên cứu mới.

- Quốc tế hóa đội ngũ nhân sự.

8.3 Thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, tạo sự khác biệt

- Phát triển các ngành/chương trình đào tạo mới hướng tới sự xuất sắc thông qua khơi dậy năng lực cá nhân, hình thành hệ tư tưởng về đổi mới sáng tạo, tư duy mở, rèn luyện bản lĩnh và khả năng thích ứng, làm chủ hệ sinh thái của chính mình.

- Phát triển các chương trình vệ tinh và chương trình đào tạo ngắn hạn nhằm tăng tính mở, linh hoạt cho các chương trình đào tạo, tạo thêm giá trị và tăng khả năng thích ứng nhanh của người học.

- Cải tiến các điều kiện đảm bảo chất lượng, tăng cường kiểm định các chương trình đào tạo; tham gia xếp hạng trường trong các bảng xếp hạng quốc tế.

- Đổi mới cơ chế, chính sách hoạt động khoa học công nghệ theo hướng tăng phân cấp, trao quyền tự chủ, đầu tư trọng điểm phát triển hướng nghiên cứu mũi nhọn.

- Phát triển hệ sinh thái mở trong đó khẳng định vai trò dẫn dắt trong một số lĩnh vực, môi trường đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp có tính quốc tế hóa cao theo hướng cá nhân hóa và tự chủ.

- Phát triển thương hiệu và văn hoá Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị định hướng theo các giá trị cốt lõi của trường.

Copyright 2020 © Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị
Thiết kế bởi Aptech