Trường Đại học Hữu Nghị tham dự Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế lần thứ ba về Công nghiệp 4.0 – Industry 4.0 Summit 2021
Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế lần thứ ba về Công nghiệp 4.0 – Industry 4.0 Summit 2021 được tổ chức vào tháng 11 năm 2021 theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến dưới sự chủ trì của Ban Kinh tế Trung ương, phối hợp chuyên môn bởi các bộ ngành liên quan.
Diễn đàn được tổ chức với mục đích triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đồng thời gắn với kế hoạch triển khai nghiên cứu, xây dựng Đề án "Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" trình Hội nghị Trung ương lần thứ 6 vào tháng 10 năm 2022. Diễn đàn được tổ chức bao gồm các hoạt động: 1 Phiên Diễn đàn cấp cao được chủ trì bởi các đồng chí lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ sẽ diễn ra vào ngày 06/12/2021, chuỗi 10 Phiên Hội thảo chuyên đề được tổ chức xuyên suốt trong tháng 11/2021 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế.
Sáng ngày 11/09/2021 phiên thứ nhất của Hội thảo đã được tổ chức với chủ đề “Tư duy và cách tiếp cận mới về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045”, phiên họp được chủ trì bởi đại diện Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Công thương, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cùng sự tham gia của đại diện các tổ chức trong nước và quốc tế với trên 500 diễn giả, đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến. Đại diện cho Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị, PGS.TS Hoàng Xuân Lâm, Chủ tịch Hội đồng trường tham dự hội thảo.
Trong chương trình hội thảo chuyên đề 1, các báo cáo chuyên đề đã được trình bày bao gồm: Nhận diện bối cảnh và các xu thế lớn của CNH, HĐH trên thế giới đến năm 2030, tầm nhìn 2045 (diễn giả: Alex Rogers, Chủ tịch Qualcomm Technology Licensing và Hợp tác đối ngoại, Qualcomm Incorporated; Ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc, Qualcomm Việt Nam, Lào & Campuchia); Tư duy và cách tiếp cận mới về CNH, HĐH (diễn giả: Peter De Boeck, Phó Tổng Giám đốc, McKinsey & Company); Học tập công nghệ, chính sách công nghiệp và bắt kịp thành công: kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam (diễn giả: TS. Arkebe Oqubay, Bộ trưởng - cố vấn đặc biệt cho Thủ tưởng Ethiopia); Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo khu vực ASEAN - Định hình sự phục hồi hậu COVID-19 thời kỳ CNH-HĐH (diễn giả: TS. Giulia Ajmone Marsan, Giám đốc Chiến lược và Đối tác – ERIA); Phân phối nguồn lực để tăng năng suất cho Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa ở Việt Nam (diễn giả: TS. Nguyễn Minh Hà, Kinh tế gia trưởng, Ngân hàng thế giới); Tổng quan Báo cáo Phát triển Công nghiệp 2020 - những phân tích và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam và Những tác động của Covid-19 tới các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo Việt Nam (diễn giả: Tiến sỹ Haraguchi Nobuya, Trưởng ban nghiên cứu và tư vấn chính sách công nghiệp, UNIDO).
Các kết quả nghiên cứu, trao đổi tại hổi thảo góp phần hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025, nước ta là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước, trở thành nước phát triển.